Giới thiệu về huyện Đại Lộc

CauAiNghia

Huyện Đại Lộc - Quảng Nam được thành lập năm 1899 sau khi người Pháp đã chiếm đóng vững vàng tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Trải qua bao biến động của lịch sử, địa giới hành chính có nhiều thay đổi nhưng tên gọi Đại Lộc luôn được lưu giữ cùng với bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng.
Nằm về phía Bắc của Quảng Nam, Đại Lộc có vị trí địa lý khá thuận lợi cho việc giao lưu, phát triển: là vùng vành đai, cách Trung tâm thành phố Đà Nẵng 25 km về phía Tây Nam, cách tỉnh lỵ Tam Kỳ 70 km; nằm trên trục hành lang kinh tế Đông - Tây, nối các tỉnh Tây Nguyên, cửa khẩu Quốc tế Bờ Y - Kom Tum, Đắc Tà Oóc - Nam Giang về Đà Nẵng và các tỉnh duyên hải miền Trung. Phía Đông giáp huyện Điện Bàn, phía Đông Nam giáp huyện Duy Xuyên, phía Nam giáp huyện Quế Sơn, phía Tây Nam giáp huyện Nam Giang, phía Tây Bắc giáp huyện Đông Giang. Hệ tọa độ địa lý đặt huyện Đại Lộc nằm gọn trong vòng nội chí tuyến, tại múi giờ thứ bảy. Với:

Điểm cực Bắc tại: 15053 vĩ độ Bắc trên xã Đại Hiệp.

Điểm cực Nam: 15043 vĩ độ Bắc trên xã Đại Thạnh.

Điểm cực Đông: 1080 47 kinh độ Đông trên xã Đại Hòa.

Điểm cực Tây: 1070 58 kinh độ Đông trên xã Đại Lãnh.

Về đặc điểm tự nhiên, Đại Lộc là vùng đất mang tính chất trung du vừa có đồng bằng vừa có rừng núi với diện tích tự nhiên: 587,041 km­2. Dân số toàn huyện tính đến tháng 12/2010: 148546 người; mật độ: 253 người/km2. Khí hậu Đại Lộc là khí hậu nhiệt đới gió mùa có nền nhiệt độ cao trong năm ít biến đổi, trung bình 25,90 C. Độ ẩm trung bình: 82,3%. Lượng mưa bình quân năm 2000-2500mm, tập trung các tháng 9,10,11. Với địa hình cao ở phía Tây-Tây Bắc, thấp dần về phía Đông, có hai con sông lớn là Vu Gia và Thu Bồn với lưu lượng nước lớn bao bọc nên mưa đầu và giữa mùa đông ở Đại Lộc thường gây lụt lội ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và sản xuất vùng hạ lưu. Dưới sự tác động của địa chất, địa hình, khí hậu, thủy văn khác nhau nên đất đai cũng đa dạng và gồm 4 nhóm chính: Đất cát, đất phù sa, đất xám bạc màu và đất đỏ vàng.

Từ góc độ lịch sử - địa lý nhiều nhà nghiên cứu đã thống nhất nhận định: Tuy được thành lập sau về mặt hành chính nhưng Đại Lộc là vùng đất nằm trong bề dày truyền thống chung của xứ Thuận Hoá rồi cả Quảng Nam trước đây. Lịch sử hình thành và phát triển của Đại Lộc vì thế gắn liền với hành trình mở đất của dân tộc Việt cổ về phương Nam. Vùng đất Đại Lộc xưa thuộc đất Việt Thường Thị của vua Hùng. Từ năm 214 đến năm 205 TCN, thời nhà Tần, thuộc Tượng Quận. Từ năm 206 TCN đến năm 192 SCN, thời nhà Hán, thuộc quận Tượng Lâm và từ năm 192 đến năm 1306 thuộc vương quốc Chăm Pa.

Sau cuộc hôn nhân huyền thoại của công chúa Trần Huyền Trân vào năm 1306, vua Chăm là Chế Mân đã dâng hai châu Ô và Lý cho nhà Trần để làm sính lễ. Sau khi nhận phần đất sính lễ, năm 1307, vua Trần Anh Tôn cử Hành khiển Đoàn Nhữ Hài vào trông coi hai châu Ô, Lý giờ đã được đổi tên thành Thuận Châu, Hóa Châu, lập huyện Điện Bàn miền núi (Điện Bàn cổ). Đại Lộc chúng ta bấy giờ thuộc Hóa Châu.

Năm 1435, địa danh Điện Bàn cổ (bao gồm cả Đại Lộc ngày nay như đã nói ở trên) được Nguyễn Trãi ghi vào "Dư địa chí" gồm 95 xã thuộc phủ Triệu Phong của lộ Thuận Hóa.

Năm 1471, vua Lê Thánh Tông thành lập đạo thừa tuyên Quảng Nam. Năm 1520, vua Lê Chiêu Tông đổi thành trấn Quảng Nam. Điện Bàn bấy giờ là một huyện thuộc phủ Triệu Phong của trấn Thuận Hóa.

Năm 1605, Nguyễn Hoàng cho tách huyện Điện Bàn ra khỏi trấn Thuận Hóa, thăng lên thành phủ và nhập về Quảng Nam dinh. Dinh trấn Quảng Nam đóng tại xã Thanh Chiêm, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, do các công tử của Chúa Nguyễn lần lượt đến trấn thủ.

Từ năm 1740, vùng đất Đại Lộc thuộc quyền quản lý của Tây Sơn. Đến năm Tân Dậu (1801), nhà Nguyễn chiếm lại được Quảng Nam, lấy hai Phủ Thăng và Phủ Điện Bàn đặt làm Quảng Nam dinh nhưng đến năm Thành Thái 11 (12.1899) mới có sắc lệnh thành lập huyện Đại Lộc. Đến năm Thành thái thứ 12 (1900) chính thức cắt hai tổng Đại An, Mỹ Hòa của huyện Diên Phước và 3 tổng Đức Hòa, An Phước, Phú Khê của huyện Hòa Vang hình thành huyện Đại Lộc. Huyện Đại Lộc lúc này có 5 tổng, 109 xã, thôn, phường, châu.

Nói về truyền thống quê hương, chúng ta trở lại mốc lịch sử 1307, sau khi cuộc hôn nhân ngắn ngủi chưa tròn năm của Chế Mân - Huyền Trân tan vỡ, bang giao Chiêm Việt đã xấu đi nhanh chóng. Hóa Châu trở thành vùng tranh chấp và có thời gian bị quân Chiêm chiếm giữ hơn 10 năm. Trong hoàn cảnh bị đe dọa thường trực, ở vị trí địa lý đầu sóng ngọn gió, nhân dân vùng Hóa Châu - có cư dân Đại Lộc ngày nay đã phải tổ chức chiến đấu để tự bảo vệ và bảo vệ vùng biên cương của Tổ quốc, mỗi người dân vì thế được tôi luyện thành chiến sỹ cương cường, chịu đựng gian khổ, chiến đấu và chiến đấu giỏi. Có lúc, chúa Trịnh Kiểm phải thốt lên: "Thuận Hóa là một kho tinh binh, nơi địa thế hiểm trở và dân khí cương cường". Đại Lộc đắm mình trong truyền thống dân khí cường đó và tiếp tục phát triển cho đến ngày nay để mỗi khi nhắc đến Đại Lộc là nhắc đến vùng đất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng; nhắc đến căn cứ địa vững chắc của Nghĩa Hội Quảng Nam với những: Tú Đỉnh (Trần Đỉnh), lão túy ông Đỗ Đăng Tuyển; đến ngọn cờ đầu của phong trào chống sưu thuế 1908 với những Trương Hoành, Hứa Tạo; đến chiến thắng Thượng Đức làm mở toang cánh cửa thép phía Tây Nam Đà Nẵng ngày 7/8/1974...

Trải qua hai cuộc kháng chiến đầy vinh quang nhưng cũng nhiều hy sinh, mất mát, huyện Đại Lộc vinh dự được Chủ tịch nước CHXHCNVN phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND vì đã có những thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu; 18 tập thể và 18 cá nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Bình quân 8 người dân có 1 người được Đảng và Nhà nước khen thưởng.

Cũng như những địa phương khác của Quảng Nam, Đại Lộc có những nghệ sỹ được mệnh danh là con rồng trên sân khấu như Nguyễn Nho Túy, những chí sỹ, danh nhân nổi tiếng như Đỗ Đăng Tuyển, Huỳnh Ngọc Huệ, Huỳnh Quỳ (Tú Quỳ), Trần Đình Tri, Trần Tống, Võ Quảng, Trinh Đường, Nam Trân, Nguyễn Văn Bổng...Có những gia đình "dòng dõi một nhà, khoa trước sau đều đỗ" cử nhân, tú tài như nhà cụ Hồ Lệ, cụ Huỳnh Quỳ. Đặc biệt, những loại hình nghệ thuật độc đáo như: hát tuồng, dân ca Quảng, hò đối đáp, hò chèo thuyền, múa tứ linh, bài chòi...vẫn còn lưu giữ cùng với sinh hoạt lễ hội dân gian truyền thống như lễ hội bà Phường Chào, lễ hội Bà Chúa Ngọc, lễ cầu phong, lễ vía Ngũ hành Tiên nương, hội đua thuyền truyền thống...tiếp tục phản ánh đời sống tinh thần phong phú và mang đậm bản sắc dân tộc của người dân nơi đây. Trong đời sống tâm linh, người Đại Lộc rất "hỗn dung tôn giáo", họ thờ cả Phật, cả Quan Công, cả Thần Hoàng, cả Mẫu lẫn các vị thần Chăm và các anh hùng liệt sỹ, có khi chung vào một chỗ, vị này đắp lên vị kia. Thực ra là họ thờ cái đức nhân hậu ở đời.

Có lẽ, khi đặt tên huyện, người xưa đã căn cứ vào đặc điểm trung du của vùng đất để gọi là Đại Lộc - nghĩa là "chân núi lớn". Trong thực tế, Đại Lộc đã được biết đến là vùng đất trù phú với nhiều sản vật dồi dào, là vùng trọng điểm lúa của tỉnh Quảng Nam, đồng thời rất nổi tiếng với các ngành nghề: trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa, làm trống, thợ hồ, làm nhang, đan lờ... Nhìn chung, ngoài "nông tang vi bản", cơ cấu ngành nghề ở Đại Lộc rất phong phú. Mồ hôi của các thế hệ cư dân đã kiến tạo trên vùng đất này một bức tranh quê với nhiều điểm tươi sáng. 35 năm sau ngày quê hương hoàn toàn giải phóng, Đại Lộc không ngừng đổi mới và phát triển trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế - văn hóa-xã hội. Từ một huyện nông nghiệp là chính, đến nay Đại Lộc đã trở thành một điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trên lĩnh vực công nghiệp với 18 cụm công nghiệp vừa và nhỏ. Trong số 36 dự án đang đầu tư phát triển sản xuất trên địa bàn có 3 dự án được đánh giá mang tầm vóc "khổng lồ" so với địa phương là: Dự án sản xuất cồn Ethanol của Công ty Cổ phần Đồng Xanh; dự án sản xuất phụ tùng cơ khí chính xác cao ngành dệt may của công ty TNHH Groz-Berket Việt Nam; dự án sản xuất gạch men cao cấp ceramic của công ty cổ phần Prime. Từ một vùng nông thôn nghèo, giao thông cách trở, giờ đây gần 100% hộ gia đình có điện thắp sáng, hệ thống thông tin liên lạc, đường ô tô đến tất cả các xã. Những khu dân cư, những con đường mới mở, những đoạn đường đến tận thôn cùng ngõ hẻm được bê tông hóa... đã góp phần tạo cho Đại Lộc một diện mạo mới.

Bước sang thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, Đại Lộc cùng với cả nước bước vào thời kỳ xây dựng mới, phấn đấu xây dựng quê hương giàu mạnh về kinh tế, văn minh và công bằng. Trên nền tảng truyền thống văn hóa lịch sử, cách mạng tốt đẹp và lâu đời của quê hương, Đại Lộc tiếp tục phát huy thế mạnh nội lực, mở rộng thu hút ngoại lực, tự tin vững bước đi lên trên đường hội nhập.

- Thanh Vân -

 


Tin cũ hơn: