Giới thiệu về trường

NỬA THẾ KỶ - MỘT NGÔI TRƯỜNG

gioithieu

Năm 1958, chính quyền Sài Gòn mở trường Trung học bán công đầu tiên của huyện Đại Lộc, lấy tên là trường Bán công Ngô Đình Khôi, đặt tại thôn Phú Hương xã Đại Quang. Ba năm sau, năm 1961, tại cơ sở này, ra đời lớp trung học công lập đầu tiên đặt nền móng cho sự hình thành Trường trung học công lập Đại Lộc.

Năm học 1961 – 1962 chỉ có một lớp đệ thất (lớp 6) do thầy Nguyễn Đình Hiệp làm Hiệu trưởng kiêm giáo viên giảng dạy gần hết các môn.

Năm 1962, trường dời về cơ sở mới tại thị trấn Ái Nghĩa, nằm tại vị trí nay là Thư viện Đại Lộc. Tại đây, học sinh công lập và bán công học chung cơ sở nhưng có quản lý riêng. Hằng năm, trường chọn số học sinh giỏi của hệ bán công chuyển sang công lập. Học hết Đệ nhất cấp (cấp 2), học sinh phải ra Đà Nẵng hoặc xuống Hội An để học tiếp Đệ nhị cấp (cấp 3).

Năm 1970, trường bắt đầu có Đệ nhị cấp. Thầy Phan Thế Tập làm hiệu trưởng. Cả hai cấp học tồn tại đến năm 1975.

Năm 1975, miền Nam được hoàn toàn giải phóng. Năm học đầu tiên dưới chế độ mới, trường được đổi tên thành Trường cấp 2 – 3 Đại Lộc Năm học 1975 – 1976, trường có 20 lớp cấp 2 và 9 lớp cấp 3. Giai đoạn đầu, thầy Nguyễn Cương làm Trưởng ban điều hành. Sau đó, thầy Nguyễn Văn Thạnh từ miền Bắc vào làm Hiệu trưởng. Giáo viên phần nhiều được điều động từ các trường lớn trong tỉnh, như: Phan Chu Trinh (Đà Nẵng), Trần Quý Cáp (Hội An) và từ sự chi viện ở miền Bắc.

Năm học 1976 – 1977, cấp 3 tách khỏi cấp 2 và học tại cơ sở mới (nay là Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Đại Lộc). Từ đó, trường có tên là Trường cấp 3 Đại Lộc. Năm học này, trường có 5 lớp 10, 2 lớp 11 và 2 lớp 12 với 386 học sinh. Một năm sau, năm 1978, trường lại dời đến địa điểm mới trên đồi ngã tư Đại Lộc (nay là Trường THPT Lương Thúc Kỳ). Từ đó đến năm 1981, trường có nhiều sự thay đổi về cán bộ quản lý nhất: Năm 1978, thầy Nguyễn Văn Thạnh chuyển về Điện Bàn, thầy Ngô Quang Sa làm Hiệu trưởng chưa được 1 năm thì xin nghỉ và thầy Lê Đình Linh lên thay. Nhưng cũng chỉ được một thời gian ngắn, đến năm 1979, thầy Lê Đình Linh lại chuyển đi và thầy Trần Đăng Khoa lên làm Hiệu trưởng. Đến năm 1981, thầy Trần Đăng Khoa chuyển về Bắc, thầy Lê Văn Lộc lên làm Hiệu trưởng, bắt đầu một thời kỳ ổn định lâu dài. Kể từ năm học 2001 thầy Huỳnh Văn Tân làm Hiệu trưởng đến năm 2008 – 2009 thầy Nguyễn Đình Ba làm Hiệu trưởng nhà trường.

Năm 1983, huyện Đại Lộc xây dựng thêm trường cấp 3 thứ hai đặt tài vùng B lấy tên là Trường cấp 3 Đại Lộc 2 và do vậy, Trường cấp 3 Đại Lộc lại đổi tên thành Trường cấp 3 Đại Lộc 1. Trong giao đoạn này, trường vẫn tồn tại song song hai hệ bán công và công lập.

Năm 1988, trường lại đổi tên thành Trường THPT Huỳnh Ngọc Huệ - tên của nhà hoạt động cách mạng, người con ưu tú của đất Đại Lộc. Tên gọi này tồn tại cho đến ngày nay.

Năm 1997, trường lại được dời về cơ sở mới hiện nay. Một năm sau, năm 1998, Trường THPT Bán công Đại Lộc được thành lập và hoạt động trên cơ sở cũ. Do vậy, những lớp hệ bán công của trường được chuyển về cho trường Bán công. Từ đó đến nay, trường có được một sự ổn định về nhiều mặt và không ngừng phát triển.

Trải qua nửa thế kỷ thăng trầm theo lịch sử, Trường THPT Huỳnh Ngọc Huệ vẫn không ngừng phát triển. Từ một lớp học đầu tiên của bậc trung học với 54 học sinh và đội ngũ thầy cô giáo chính thức chỉ vỏn vẹn 2 người (!), đến nay, trường đã có 38 lớp với 1915 học sinh và gần 90 CB – GV – CNV, trường trở thành cơ sở giáo dục THPT có uy tín hàng đầu của huyện.

Trong chiến tranh, đa số học sinh của trường sống trong vùng lửa đạn. Ngày đến lớp phải vượt qua bao con đường ẩn chứa bom mìn. Đêm học bài trong tiếng vang rền của đại bác. Nhiều học sinh đã sớm tham gia hoạt động cách mạng ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Một số bỏ dở việc học lên đường chiến dấu. Trong số đó có nhiều người đã hy sinh. Thế nhưng, tinh thần hiếu học của học sinh Đại Lộc ngay từ thế hệ đầu tiên đã được khẳng định và được tiếp nối về sau. Lớp trung học công lập đầu tiên thi bằng trung học năm 1965 đỗ 1 ưu, 2 bình, 7 bình thứ và 37 thứ, thuộc hàng cao nhất cả miền Nam lúc bấy giờ.

Những năm sau ngày giải phóng, trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn của đất nước, dù phải sống trong tình trạng thiếu thốn mọi bề, nhưng trong không khí hào hùng chiến thắng của dân tộc, mọi người đều hăng hái, say sưa làm việc, học tập. Thầy và trò của trường vừa thi đua dạy tốt, học tốt, vừa tham gia tích cực các hoạt động xã hội. Ngoài các buổi học trên lớp, thầy và trò tích cực tham gia và tổ chức các hoạt động văn nghệ thể dục thể thao. Đặc biệt, các buổi lao động tập trung dài ngày, cả trường kéo quân đi hàng chục cây số cùng với nhân dân đào kênh, đắp đường, xây dựng các đập thủy lợi, phát nương trồng cây gây rừng... Tuy gian khổ những hoạt động như thế đã để lại những kỷ niệm khó quên trong lòng nhiều thế hệ học sinh. Họ đã được thủ thách và rèn luyện để có đủ bản lĩnh, sự vững vàng để bước vào hành trình của cuộc đời. Họ cũng chính là những người nhiệt tình nhất trong lực lượng cựu học sinh, luôn đi đầu trong việc đóng góp xây dựng trường ngày càng vững mạnh.

Trong giai đoạn hiện nay, kế tục những truyền thống tốt đẹp của nhà trường, với quyết tâm cao của thầy và trò cùng với sự hỗ trợ từ các đoàn thể tổ chức xã hội ngoài nhà trường, Trường THPT Huỳnh Ngọc Huệ đã có sự phát triển mạnh mẽ. Số lượng học sinh ngày càng tăng. Đội ngũ giáo viên ngày càng đảm bảo. Chất lượng giáo dục toàn diện không ngừng được nâng cao. Số học sinh đạt các giải học sinh giỏi quốc gia, học sinh giỏi tỉnh, học sinh đỗ vào các trường cao đẳng đại học chuyên nghiệp hàng năm luôn ở trong tốp các trường dẫn đầu của tỉnh. Nhiều giáo viên đạt thành tích tốt trong công tác giảng dạy, đạt các danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, cấp tỉnh và được nhận giấy khen, bằng khen của Sở giáo dục cũng như của UBND tỉnh... Liên tục trong nhiều năm qua, trường được công nhận là trường tiên tiến, tiên tiến xuất sắc, được UBND tỉnh và Bộ giáo dục tặng bằng khen.

Đã nửa thế kỷ trôi qua, hàng vạn học sinh được học tập và tốt nghiệp ra trường từ ngôi trường này. Hàng ngàn học sinh ưu tú vào các trường cao đẳng, đại học, họ chính là nguồn lực quý giá của đất nước. Cùng với các thế hệ học sinh là biết bao thế hệ thầy cô giáo đến từ nhiều miền của đất nước đã cống hiến hết mình cho sự nghiệp trồng người. Trong đó, có người nay không còn nữa, có người đã chuyển đi nơi khác, có người đã nghỉ hưu ... Dù thế nào đi nữa thì tất cả những học sinh ấy, những thầy cô giáo ấy đều đã góp phần làm nên lịch sử của ngôi trường. Trang sử 50 năm ấy cần phải được gìn giữ và phát huy.

------------------------------------------------


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: